Có thể vì một lý do nào đó mà một số mẹ sau khi sinh bị mất sữa hoặc ít sữa không đủ cho bé bú. Điều này khiến bạn vô cùng lo lắng vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của bé. Vậy phải làm sao đây? Diendanphunu.net gợi ý một vài cách chữa mất sữa để mẹ tham khảo, rất hiệu quả đấy, mẹ ạ!
Theo các chuyên gia khuyến cáo nên cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ ít nhất trong vòng 6 tháng đầu đời để đảm bảo cho sự phát triển toàn diện. Tuy nhiên, không phải cơ thể người mẹ nào cũng có khả năng "sản xuất" đủ sữa cho bé. Việc thiếu sữa, mất sữa sẽ là một trở ngại lớn trong vấn đề nuôi dưỡng trẻ. Do đó, mẹ cần tìm hiểu các cách chữa mất sữa càng sớm càng tốt.
Ít sữa, mất sữa sau sinh là tình trạng nhiều mẹ hay gặp phải
1. Phương pháp massage
Đây là cách chữa mất sữa, ít sữa cũng như kích thích gọi sữa về một cách nhanh chóng sau khi sinh. Mỗi ngày chỉ cần dành từ 2-3 phút để thực hiện các động tác massage đơn giản bạn sẽ có đủ sữa cho bé bú, thậm chí còn dư thừa nữa nhé!
Cách thứ nhất
Dùng 2 đầu ngón trỏ và ngón giữa nhẹ nhàng xoay tròn từ trên bầu vú đi xuống về phía đầu ti. Thực hiện khắp vị trí vú và đều cả 2 bên vú, mỗi lần khoảng 30 giây. Chú ý dùng tay trái massage vú bên phải và ngược lại.
Cách thứ 2
Nắm gọn bàn tay (lưu ý ngón cái đặt bên cạnh các ngón khác) vuốt nhẹ từ trên đi về phía đầu ti. Di chuyển khắp bầu vú trong vòng 30 giây, tay bên nào massage vú bên đó.
Cách thứ 3
Một tay đỡ bầu vú, tay còn lại dùng ngón trỏ, ngón cái và ngón giữa chụm lại chạm vào đầu ti, bắt đầu xoay theo hình tròn. Cách này có tác dụng giúp tăng lưu thông máu, kích thích sản xuất hormone prolactin, một loại hormone có vai trò sản xuất sữa.
Nhằm tăng tính hiệu quả, mẹ cần massage đúng thời điểm. Tốt nhất, mẹ nên massage ngực trước khi cho bé bú hoặc hút sữa để sữa xuống nhanh hơn. Trong khi đang cho bé bú, mẹ có thể tiếp tục massage bầu vú còn lại (khi thuận tay) Ngoài ra, khi bé vừa bú xong , bạn cũng có thể massage để kích thích tạo nguồn sữa mới cho đợt sau.
2. Hút sữa thường xuyên
Đối với những mẹ ít sữa, mất sữa sau sinh sẽ làm cho bé "chán nản" trong việc ti mẹ theo đó, khi không có phản xạ bú, mút đầu vú, sữa sẽ không được bài tiết. Đối với trường hợp mẹ nhiều sữa, bé bú không hết cũng dễ lâm vào tình trạng tắc tia sữa và lâu dần dẫn đến mất sữa. Lúc này, "trợ thủ" đắc lực nhất của mẹ chính là sử dụng máy hút sữa.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại máy hút sữa khác nhau, có loại dùng bằng tay, bằng pin, bằng điện, máy hút 1 bên hoặc cùng lúc 2 bên với nhiều giá thành. Tùy thuộc vào nhu cầu cũng như điều kiện mà mẹ có thể lựa chọn mình loại phù hợp nhất.
Mặc dù có nhiều kiểu máy khác nhau nhưng cơ chế hoạt động vẫn chung một nguyên lý đó là dùng lực hút bên ngoài để hút sữa ra. Ban đầu có thể sẽ gây đau, sữa ra ít nhưng kiên trì thực hiện đều đặn khoảng 3 giờ/lần và 5 lần/ngày. Kết quả sữa về nhanh hơn, đều đặn hơn và duy trì được lượng sữa cần thiết cho bé.
3. Cách chữa mất sữa bằng mẹo dân gian
Lá chè vằng
Chè vằng được xem như là một loại "thần dược" đối với phụ nữ sau sinh, bởi những tác dụng như: Kháng khuẩn, chống viêm, viêm tuyến vú, khí hư, giảm cân… Đặc biệt, uống lá chè vằng còn giúp kích thích tuyến sữa, cải thiện tình trạng thiếu hoặc mất sữa.
Lá chè vằng là loại thuốc nam vì vậy sẽ phát huy công dụng từ từ, có thể nói "chậm mà chắc" nên không có hiệu quả ngay như thuốc tây. Sau khi sử dụng khoảng 1 tuần bạn mới nhận thấy được sự khác biệt từ nguồn sữa.
Chè vằng có 3 loại cơ bản là chè vằng tươi, chè vằng khô và cao chè vằng. Đối với chè vằng tươi và khô sau khi rửa sạch thì đun sôi với nước khoảng 10 phút (chè khô cần đun lâu hơn để ra chất). Sau đó giữ ấm bằng bình thủy và dùng dần dần thay cho nước lọc hàng ngày. Còn đối với cao chè vằng sẽ pha theo sự hướng dẫn từ nơi sản xuất.
Nhiều mẹ lúc mới uống sẽ chưa quen do vị đắng của lá vì vậy hãy pha loãng cho dể uống. Sau khi quen dần thì hãy tăng độ đặc của chè để mang lại hiệu quả cao hơn
Lá chè vằng được xem như "thần dược" để kích sữa, lợi sữa
Lá đinh lăng
Không chỉ là một loại thực phẩm, lá đinh lăng còn được dùng như loại thuốc chữa bệnh, giúp lợi sữa cho mẹ sau sinh. Mẹ có thể sử dụng lá đinh lăng bằng cách luộc, nấu canh hoặc nấu lấy nước uống đều được. Sử dụng đều đặn chỉ sau 3 ngày mẹ sẽ thấy dòng sữa chảy về nhiều hơn.
Không chỉ lợi sữa lá đinh lăng còn trị tắc tia sữa, kháng viêm, giúp mẹ giảm mệt mỏi ăn ngon ngủ kỹ. Vì vậy, đừng bỏ qua lợi ích của loại lá này, mẹ nhé!
4. Cách tăng hormone sản sinh sữa
Việc "sản xuất" sữa mẹ sẽ phụ thuộc vào 2 hormone chính đó là prolactin và oxytocin. Oxytocin là một loại hormone tự nhiên được sản sinh ở vùng dưới đồi của não và bài tiết vào máu nhờ tuyến yên.
Còn hormone Prolactin được tiết ra từ tuyến yên nằm ở đáy não, có ở cả nam và nữ với hàm lượng rất ít. Nồng độ Prolactin sẽ tăng lên gấp 10 lần trong 3 tháng cuối thai kỳ và sau khi sinh để kích thích sự hình thành sữa mẹ.
Khi trẻ bú, tác động này sẽ truyền cảm giác đi từ vú lên não và kích thích tuyến yên để sản xuất 2 hormone trên, sau đó chúng đi vào máu và đến vú. Prolactin kích thích các tế bào tiết sữa ở nang sữa để sản xuất sữa. Trong khi đó, Oxytocin làm co các cơ xung quanh nang sữa để dẫn sữa ra đầu vú gọi là phản xạ tống sữa.
Việc tiết hormone Oxytocin nhiều hay ít phụ thuộc vào tâm lý của người mẹ. Theo đó, nếu mẹ cảm thấy thoải mái, hài lòng, tin tưởng vào bản thân khi nuôi con sẽ hỗ trợ tốt cho phản xạ này. Ngược lại, cho dù sữa mẹ có nhiều đi chăng nữa nhưng nếu thiếu Oxytocin thì vẫn bị ứ động trong bầu vú, lâu dần dẫn đến ít sữa mất sữa.
Vì vậy, muốn có đủ sữa cho con bú mẹ cần tạo điều kiện để tăng nồng hộ 2 hormone trên bằng cách cho con bú đúng cách và luôn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, mẹ nhé!